Nguyện xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho những ai góp công sức và vật chất cho sự Thăng Tiến của Giáo Xứ (thanhmartino.blogspot.com). "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìn thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho"

MẸ ƠI.!

 xuống thung lũng làm tan nhanh những đám khói đồng mà hồi chiều bọn trẻ đốt lên để nướng sắn ăn. Mùa thu hoạch đã xong, cả bầu trời mặt đất đều phủ màu bàng bạc dễ khi
Cuối năm, từng cơn gió khô lạnh ùa về
người ta nao lòng.
- Hiền, em có nhìn thấy mẹ không? Mẹ đang qoằn vai gánh bó cây sắn kìa - Chị tôi nấc lên.
“Có, em thấy, thấy hết...”. - tôi ôm lấy chị gái, nhủ thầm trong nước mắt.
Ngày mai là giỗ đầu mẹ tôi, chị em tôi về trước để mong tìm lại dáng hình mẹ, người đã cứu vớt, đã yêu thương, dạy dỗ chị em tôi.
Mẹ đến như bà tiên
Bố mẹ mất như thế nào tôi không hề nhớ. Chỉ biết những ngày hè năm 1980, chị tôi lúc đó 7 tuổi dắt tôi lên 4 lẻn ngồi tàu chở hàng từ Trình Xuyên đến ga Ninh Bình; lân la hết đầu đường xó chợ rồi xuôi xuống ga Ghềnh. Đói nhưng hai chị em không dám về vì sợ “chú thím đánh chết”. Vạ vật ở đây khoảng ba ngày thì tôi lên cơn sốt, chị tôi chỉ biết ôm tôi khóc. Và người phụ nữ đó xuất hiện. Cô hỏi han chị tôi, sờ trán tôi, hấp tấp bế tôi ra xe đạp đặt vào sọt bên trong có cái bì, cuộn lá chuối, nhúm muối, đùm gạo. Cô để chị tôi ngồi ở thanh ngang khung xe rồi gò lưng đạp vào con đường đất đồi ngoằn ngoèo, khúc khuỷu. Được người phụ nữ chăm sóc, tôi khoẻ lên rất nhanh.
Nơi chúng tôi ở là một ngôi chùa cổ bỏ hoang giữa vùng đồi núi trùng điệp. Trong nhà còn một đứa con trai tên Sơn hơn tôi 1 tuổi. Có chị em tôi, Sơn vui vì không còn thui thủi một mình. Sáng sáng người phụ nữ dậy sớm gánh nước từ sông xa đổ đầy chiếc vại đầu hè rồi cô xếp bánh sắn đã luộc từ nửa đêm đèo ra ga Ghềnh bán. Khoảng 9 giờ đã thấy thấp thoáng chiếc nón cũ và tấm áo bạc màu trong vườn sắn. Thời gian trôi qua, chị em tôi gọi cô là mẹ từ lúc nào không biết.
- Sao ngày ấy mẹ giỏi thế, không một đồng lương mà mẹ chưa bao giờ để chị em mình đói rách - chị Hậu lại thầm thì.
Mẹ - người thầy đầu đời của chúng con
Còn tôi, tôi thấy mẹ thật đẹp, thật dịu dàng khi tối tối lại dạy chị em tôi học. Bắt đầu là những ngày cuối tháng 8-1981, mẹ tất bật xin những cối pin thối chà vào tấm gỗ nhỏ làm bảng, khâu lại túi xách cũ cho chị tôi và anh Sơn đi học. Hi vọng tràn đầy trên gương mặt mẹ nhưng rồi tắt lịm: chị Hậu, anh Sơn không được nhận học vì xã không cấp khai sinh do anh Sơn không có bố và chị tôi không phải người địa phương. Mẹ khóc, lục tìm những kỷ vật: ảnh mẹ chụp cùng khoảng 30 cô gái thanh niên xung phong, ảnh một anh bộ đội cười rất tươi.
Mẹ đi từ sáng đến tối mới về cùng một phụ nữ. Người ấy ôm lấy anh Sơn khóc, nhưng chị Hậu, anh Sơn vẫn không được đi học. Chỉ biết rằng từ đó hằng tối mẹ tự dạy ba chị em học. Nét chữ tròn trịa của mẹ nổi bật trên tấm giấy dầu đen nhức. Mẹ bảo tôi: “Chữ x có giống cọng rau muống con chẻ nghịch thả vào nước không? Chữ s có giống dáng con mèo ngồi không?”. Tôi thích lắm đòi học cùng anh Sơn. Khoảng một tháng mẹ bỗng hốt hoảng: “Thôi chết, bây giờ người ta thay cách viết rồi, chữ l, h, g... không có bụng nữa”. Chúng tôi lại học theo sách giáo khoa mới.
Mẹ còn lên trường để liên hệ; đôi lúc các cô giáo ghé vào xem mẹ con tôi học. Tôi rất nhớ cách mẹ nâng cằm Sơn: “Con mẹ sáng dạ lắm, con đúng là con của người lính Trường Sơn dũng cảm”. Rồi mẹ vuốt tóc chị em tôi: “Hiền cũng thật thông minh, sau này làm cô giáo nhé. Còn Hậu là chị cả phải gương mẫu nghe con”. Niềm tin của mẹ truyền sang chúng tôi thật mãnh liệt giúp chúng tôi học rất nhanh.
Cứ thế hai năm trôi qua, rồi chúng tôi cũng được đến trường. Các thầy kiểm tra kiến thức tập đọc, toán, chính tả, tập làm văn thấy anh em tôi vượt xa một số bạn cùng lứa tuổi, ai cũng phục mẹ tôi. Tôi và anh Sơn cùng học lớp 2, chị tôi lớp 3. Không gì đầm ấm bằng cảnh trên kệ đá giữa chùa, ba đứa trẻ say sưa học bài, dưới đất mẹ ngồi giã, rây bột sắn để sớm mai có bánh sắn bán đổi gạo. Thấm thoát cũng đến ngày tôi đỗ vào trường cao đẳng sư phạm, anh Sơn đỗ đại học nông nghiệp, còn chị tôi thành công nhân Nông trường Vùng Thượng.
Trước khi tôi nhập trường, mẹ đưa chị em tôi về gặp lại chú thím. Chị Hậu phụng phịu: “Con không muốn về lại nơi đã hành hạ chị em con”. Lúc ấy mẹ rất buồn và nói: “Cái đói, cái nghèo làm con người ta quẫn trí. Chú thím con vì quá thiếu thốn nên hay đánh mắng các con. Cả con đẻ của chú ấy cũng bị đánh. Mẹ đã tìm về đó mấy lần, chú thím ấy ân hận lắm”. Ôi, mẹ!...
Cuộc đời thuỷ chung với mẹ
Từng trải rồi con mới hiểu: để tồn tại và nuôi dạy chúng con, mẹ đã vượt qua bao tủi cực, sự đàm tiếu của người đời. Anh Sơn (giọt máu của tình yêu giữa mẹ và người lính Trường Sơn) thì tận khi tìm thấy nhật ký của người cha - liệt sĩ, gia đình hai họ mới công nhận. Lúc ấy mọi người mới xót xa, trân trọng, khâm phục mẹ. Gần đây, đồng đội đã tìm về với mẹ, xã hội đã quan tâm đến mẹ, ngôi nhà tình nghĩa được dựng gần làng nhưng những ngày nhàn hạ của mẹ quá ngắn. Ngày mai, cháu con, người thân, bạn bè của mẹ sẽ về đông đủ, nhưng sao con thấy lạnh lẽo, trống vắng quá chừng. Ánh mắt trìu mến, thương yêu, nét chữ tròn trịa của mẹ mới là điều con khao khát.
Ông trời ơi! Hãy cho hiện về đi cái bảng đen bằng tấm giấy dầu, trên đó là nét phấn của mẹ để cho tôi được trở lại nguyên vẹn niềm hạnh phúc học trò! Mẹ ơi! Trời đã tối rồi. Cho phép con được viết những dòng về mẹ gửi “Nét bút tri ân”. Có thể bài sẽ không được đăng vì mẹ không phải là cô giáo. Nhưng không sao, cuộc đời mẹ vẫn là ký ức tốt đẹp nhất của con, là lời nhắc nhở con phải biết vượt lên mọi khó khăn, sống ân nghĩa, thuỷ chung, nhân hậu.


VŨ NHƯ TRANG (Ninh Bình)
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ, ngày 18/01/2011