Nguyện xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho những ai góp công sức và vật chất cho sự Thăng Tiến của Giáo Xứ (thanhmartino.blogspot.com). "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìn thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho"

TỪ YẾU ĐUỐI VÀ TỘI LỖI ĐẾN TÌNH YÊU VÀ SỨC MẠNH


Linh Mục Phêrô Nguyễn hiệp Thông
1. Chúng ta ai cũng biết rõ rằng hai Thánh Phê-rô và Phao-lô là hai gương mặt vĩ đại trong lịch sử. Tuy nhiên, chúng ta biết hai đấng vốn đã từng là những con người giới hạn, yếu đuối và tội lỗi. Vốn đã từng thôi, chứ không phải cả đời là như thế và lúc nào cũng như thế.
Thánh Phê-rô giới hạn ở chỗ ít học. Dân chài đâu được học bao nhiêu. Vậy mà lại muốn “cầm đèn chạy trước ô-tô”, muốn làm thầy Chúa: Nghe nói Chúa sẽ lên Giê-ru-sa-lem, sẽ bị bắt, bị đau khổ và bị giết, thì ông kéo riêng Chúa ra một chỗ và bắt đầu trách Người. Vì thế, ông bị Chúa mắng cho một trận: Xa-tan, lui lại đằng sau thầy. Giới hạn, tội lỗi và yếu đuối đấy.
Thế nhưng chưa đau cho bằng việc ông chối Chúa. Vừa mới thề dù có phải chết với thầy con cũng không bao giờ bỏ thầy, vậy mà chỉ mấy tiếng sau ông lại chối thầy đay đảy. Chối thẳng thừng. Chối trước đầy tớ gái và các gia nhân chứ chẳng phải trước một dũng tướng oai hùng và quân binh đông đảo nào. Chối ba lần chứ không phải chối một lần. Cũng không chỉ chối mà còn thốt lên những lời độc địa mà Tin mừng không tiện nói ra. Giới hạn, tội lỗi và yếu đuối đấy.
Còn Thánh Phao-lô thì như chúng ta biết: Mặc dù xuất thân thuộc giới danh gia vọng tộc và là người có học hơn ông Phê-rô, nhưng ông Phao-lô cũng đã từng bách hại những người tin Chúa Ki-tô. Ông đã góp phần tích cực và quan trọng nhất trong việc giết chết ông Tê-pha-nô, vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội. Giới hạn và tội lỗi đấy. Còn khi đã theo Chúa rồi cũng đã hết yếu đuối đâu. Thánh nhân chia sẻ rằng: Thân xác tôi đã như bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của xatan được sai đến vả mặt tôi để tôi khỏi tự cao tự đại. Ngài còn nói rằng: Nếu phải tự hào thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi. Không phải khiêm nhường theo kiểu một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu đâu. Ngài chia sẻ nghiêm túc đấy. Chỉ khoảng một trang sách trong thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô mà có đến 3 lần ngài nói về việc sự yếu đuối của ngài. Ngài còn khẳng định về điều đó rằng: Thiên Chúa, Đấng đáng chúc tụng muôn đời là Cha của Chúa Giê-su biết tôi không nói dối.
2. Tuy nhiên, bất chấp những yếu đuói giới hạn và tội lỗi của Thánh Phê-rô và Phao-lô, chúng ta thấy Thiên Chúa đã thực hiện những điều kỳ diệu qua hai vị thánh. Đúng Chúa là Chúa Trời thật. Chúa cư xử chẳng giống ai. Chẳng giống lẽ khôn ngoan theo kiểu con người tính toán. Chúa đã chọn cả hai vị Tông Đồ. Mà lại làm Tông Đồ Cả.
Ông Phê-rô trở thành Thừa Sai cho người Do Thái. Ông giảng từ Giê-ru-sa-lem sang Rô-ma. Tuy nhiên, địa vị quan trọng hơn của ông đấy là vai trò đại diện Chúa Ki-tô đứng đầu Hội Thánh ở trần gian, cầm giữ chìa khoá Nước Trời. Ông đã thực hiện tốt vai trò của mình. Dù bị bách hại dữ dội nhưng Giáo Hội của Chúa chẳng những đứng vững mà còn không ngừng lớn mạnh. Số người đón nhận Tin Mừng không ngừng được gia tăng.
Còn Thánh Phao-lô thì sao ? Ngài được gọi làm Tông Đồ và dành riêng để loan báo Tin Mừng cho dân ngoại. Ông Phao-lô cũng đi nhiều. Nhiều hơn ông Phê-rô. Đi từ Palestine đi về phía Đông và sang phía Tây. Từ Ả Rập đến Italia. Đi ba chuyến. Ông ra sức truyền giáo, xây dựng nên các cộng đoàn Ki-tô hữu sống động. Các nhà chú giải Kinh Thánh nhận xét: Thánh nhân nổi bật về mọi mặt. Ngài vừa là nhà thần bí, vừa là người hoạt động, vừa là nhà thần học lại vừa là nhà truyền giáo, vừa là nhà sáng lập vừa là nha tổ chức, vừa là người khai hoang, vừa là người vun trồng, vừa là Giáo Lý Viên vừa là người Linh Hướng, có tài tranh luận cũng như hùng biện. Ngài quả là thiên tài đã được Đức Ki-tô chinh phục.
Như vậy, chúng ta thấy, Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô đã trở thành những con người lãnh đạo và xây dựng Giáo Hội. Các ngài đã làm được những điều mà khi còn ở trần gian chính Chúa Giê-su cũng không làm được. Để cho công bằng chúng ta còn phải kể vào công trạng của hai Thánh cả những giá trị Giáo Hội đã và đang đóng góp nhân loại trong suốt từ 2000 năm nay. Nhiều lắm.
3. Tại sao các ngài lại có thể làm được những điều kỳ diệu như thế ? Tất nhiên là nhờ ơn Chúa rồi. Muôn sự là nhờ Chúa cả. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng nếu không có sự ứng đáp của các ông thì cũng chả có gì thành sự. Sở dĩ hai đấng Phê-rô và Phao-lô đã làm được những điều kỳ diệu như thế là vì các ngài có một niềm tin và một tình yêu, vì các ngài tin Chúa và yêu Chúa.
Trong bài Tin Mừng hôm nay ( Mt 16, 13 – 19 ), chúng ta thấy Thánh Phê-rô mau mắn tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô là con Đức Chúa Trời hằng sống. Chúng ta cũng đã từng nghe Thánh nhân nói rất chân thành lúc khác rằng: Bỏ thầy chúng con biết theo ai, vì thầy mới có những lời ban Sự Sống. Phần chúng con chúng con tin và nhân biết rằng thầy là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống. Cuối Tin Mừng theo Thánh Gio-an, ba lần Thánh nhân đã nói với Chúa rằng: Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến thầy. Sách Tông Đồ Công Vụ Cho thấy Thánh nhân yêu Chúa đến quên mình. Yêu Chúa đến nỗi khôâng còn sợ chết chóc tù đầy đau khổ đói khát nữa. Yêu cho đến nỗi bằng lòng chịu chết vì danh Chúa Ki-tô và là cái chết thập giá như Chúa Giê-su nhưng hơn Chúa là chết ở thành Rô-ma nơi đất khách quê người.
Ông Phao-lô cũng tin yêu Chúa thế thôi. Thánh nhân chia sẻ: Tôi đã tin nên tôi mới nói. Ông tin quyền năng phi thường của Chúa luôn ở với ông ngay trong những thử thách gian nan. Ông nói: Chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp. Hoang mang nhưng khong tuyệt vọng, bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi, bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt. Ông chia sẻ rằng ông trở nên điên dại vì Đức Ki-tô. Vì tình yêu của Chúa Ki-tô thúc bách ông. Vì yêu Chúa nên ông không quản nhọc nhằn, hiểm nguy, đau khổ, thiếu thốn, miễn sao hoàn thành được nhiệm vụ.
Ông nói: Tôi tin chắc rằng: cho dầu sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, trời cao hay vực thẳm, không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô ( Rm 8, 35 – 38 ). Cũng như Phê-rô, cuối cùng ông sẵn sàng chết vì tình yêu Chúa Ki-tô vào niềm tin vào sự sống lại của Chúa Ki-tô.
Chúng ta thấy niềm tin và tình yêu đã cho Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô sức mạnh đổi đời toàn diện. Nhờ tình yêu và niềm tin của các ông đối với Chúa mà các ông đã vượt qua được những yếu đuối và tội lỗi của mình để sống hạnh phúc và loan báo Tin Mừng. Các ông đã khám phá được mầu nhiệm: Chính khi tôi yếu là lúc tôi mạnh. Mạnh bởi biết gắn kết với Chúa nhờ niềm tin và tình yêu.
Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận từng nói: Thánh nhân nào cũng có một quá khứ. Tội nhân nào cũng có một tương lai. Như hai vị Thánh cả, chúng ta có những yếu đuối, giới hạn và tội lỗi của chúng ta, chúng ta gặp những khó khăn trong đời, nhưng chúng ta không tuyệt vọng về mình và về người và về hoàn cảnh.
Chiêm ngưỡng cuộc đời của hai Thánh Phê-rô và Phao-lô chúng ta thấy thêm tin tưởng và hy vọng về tương lai tốt đẹp Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta tin rằng không có gì có thể ngăn cản Thiên Chúa thực hiện những điều kỳ diệu nơi chúng ta, nếu chúng ta có một tình yêu và một niềm tin trong Chúa. Niềm tin và tình yêu sẽ giúp chúng ta biến đổi cuộc đời. Một niềm tin và một tình yêu sẽ giúp chúng ta sẽ vượt qua những yếu đuối và tội lỗi của mình và tích cực góp phần xây dựng Giáo Hội.
Lạy Chúa xin cho chúng con biết luôn tín thác vào Chúa và luôn yêu Chúa hết lòng như hai Thánh Tông Đồ mà chúng con mừng lễ hôm nay. Amen