SỨ GIẢ CỦA TÌNH THƯƠNG THIÊN CHÚA
Trong phụng vụ của Giáo hội công giáo, chúng ta được biết đến hai vị thánh mang tên Martinô: thánh giám mục Martinô
thành Tours (mừng ngày 11-11) và thánh Martinô Porres tu sĩ (mừng ngày
3-11). Để phân biệt về hai vị thánh này, nhiều người gọi Martinô Porres bằng những tên bình
dân và thân thiện khác như: thánh Martinô da đen, thánh Martinô hay làm phép lạ hay thánh
Martinô người nghèo….
Tại Việt Nam, hầu như mọi giáo dân đều biết tới thánh Martinô
Porres, họ rất yêu mến, tin tưởng và sùng kính ngài. Nhiều cá nhân, tập thể, đòan
thể hay tước hiệu của nhà nguyện, nhà thờ, đền, đài… đã nhận thánh Martinô làm
bổn mạng hay đặt dưới sự bảo trợ đặc biệt của ngài. Trước muôn vàn khó khăn của
cuộc sống trần thế, nhiều tín hữu đã chạy đến kêu cầu sự trợ giúp của thánh
Martinô, và họ đã nhận được nhiều ơn lành của Chúa qua sự trợ giúp đắc lực của
ngài. Biết bao nhiêu giọt nước mắt đau khổ hay hạnh phúc trào ra đã được chứng
kiến tại những nơi có treo ảnh, hay đặt tượng vị thánh tu sĩ nổi tiếng thuộc dòng
Đaminh này.
Có thể gọi thánh Martinô là sứ giả của tình thương Thiên
Chúa đối với con người. Thánh Martinô đã trở thành khí cụ đắc lực và hữu dụng của
Thiên Chúa. Ân sủng Thiên Chúa sẽ dư tràn cho những ai biết đặt trọn tin cậy và
hy vọng nơi Ngài và những ai biết cậy nhờ lời bầu cử của thánh Martinô. Vị thánh
có lòng bác ái cao độ của chúng ta không bao giờ từ chối điều gì nếu ngài có thể
làm được.
Thánh nhân không sống tầm thường như đại đa số các thiếu niên
nghèo của thành Lima, nước Pêru lúc bấy giờ. Mặc dù được sinh ra trong nỗi cô đơn
và nhục nhã vì không cha, là con lai, nghèo khổ,… nhưng Martinô không lấy đó làm
mặc cảm để rồi buông xuôi hay nổi lọan, nhưng đã biết vươn lên và vượt lên chính
mình. Thánh Martinô đã tìm được nguồn vui và hạnh phúc nơi Chúa. Sự khiêm tốn đến
cao độ của ngài được Chúa ân thưởng.
Martinô lớn lên trong cảnh nghèo nàn, thuộc giai cấp bần cùng của
xã hội Lima hậu bán thế kỷ 16 và tiền bán thế kỷ 17. Thêm vào đó, những người “thuần
chủng” gán cho Martinô vì mang hai dòng máu, không có cha, con lai, nhưng
Martinô đã tìm ra được ý Chúa qua những biến cố, hòan cảnh, địa vị từ cuộc sống
của mình. Không quá quan tâm tới những ác độc từ miệng lưỡi người khác, không
co cụm khép kín nhưng biết phó thác cho Thiên Chúa và dùng những ơn lành Chúa
ban để làm điều tốt lành đạo đức.
Cuộc đời của Martinô gởi tới mọi thế hệ nhân loại chúng ta sứ điệp
của tình thương Thiên Chúa và mãi mãi là mẫu gương về lòng tin, cậy, mến nơi
Thiên Chúa. Đứng trước bao nhiêu bấp bênh của cuộc sống, Martinô luôn là tấm gương
sáng ngời để chúng ta noi gương bắt chước. Ngài có tấm lòng vàng, là con người
thực tế nên nhiệt thành làm những hành động cụ thể cho người nghèo từ những việc
làm đơn giản, khiêm tốn. Bằng nghề cắt tóc và giải phẫu học được khi mới 12 tuổi,
ngài ra sức và không quản ngại phục vụ những người khác. Hiểu được sự nhục nhã
do bị khinh miệt, tẩy chay của giai cấp thượng lưu, ác cảm của những người mang
màu da thuần chủng, nên thánh nhân hết lòng đồng cảm và ra sức bảo vệ những người
cùng cảnh ngộ như mình. Không cay đắng, không buông xuôi nhưng Martinô làm hết
những gì có thể cho mình và cho những người bị xã hội loại bỏ. Thánh nữ Rosa
Lima là bạn thân của ngài, hai người đã giúp nhau nên thánh. Cùng với thánh nữ
Rosa, Martinô thao thức như những người đồng chí hướng, tha thiết nên thánh và
mong “cứu rỗi” người khác.
Lớn lên, Martinô ước nguyện được vào dòng Đaminh làm người giúp
việc vì nghĩ rằng mình không xứng đáng làm thầy dòng. Nhưng ngài được yêu cầu
phải khấn trọn trong gia đình hội dòng này vì ngài thực sự trở nên gương mẫu về
đời sống cầu nguyện, hy sinh, bác ái, khiêm nhường cho mọi thành viên khác
trong cộng đòan. Bí quyết nên thánh của ngài là sám hối, cầu nguyện và phục vụ.
Với những công việc tầm thường hèn hạ, thánh nhân đã biết thánh hóa và gán cho
nó một ý nghĩa lớn nhờ đó công phúc gia tăng, đời sống thêm sung mãn và hạnh phúc.
Đức tính nổi bật nơi Martinô là đơn sơ, giản dị, chân thành và đức tin mạnh mẽ.
Thánh Martinô rất nhiệt thành sùng kính mầu nhiệm Thánh Thể và khổ nạn của Chúa
cứu chuộc.
Trong buổi lễ phong thánh (6-5-1962), Đức giáo hòang Gioan XXIII
đã có lời nhận xét về thánh Martinô như sau:Ngài đã tha thứ lỗi lầm của người
khác. Ngài đã quên đi những xúc phạm thật cay đắng, vì cho rằng ngài đáng phải
phạt vì những tội lỗi của chính mình. Ngài cố gắng hết sức để đền bù các lỗi lầm
ấy; ngài an ủi bệnh nhân một cách trìu mến; ngài cung cấp thực phẩm, quần áo và
thuốc men cho người nghèo; ngài giúp đỡ các nông dân và người da đen, cũng như
những người mang hai dòng máu mà thời ấy thường coi là nô lệ: do đó ngài xứng đáng
với cái tên mà người ta thường gọi là “Martinô Nhân Hậu”.
Cuộc sống hòan tòan vì người khác và cho người khác nên cũng
trong bài giảng dịp lễ phong thánh đó, Đức Gioan XXIII còn nói thêm: Thánh nhân sống
theo lời Thầy Chí Thánh, thánh nhân đối xử với anh em bằng tất cả đức ái, một đức
ái phát xuất từ trái tim không phai nhòa và một tâm hồn khiêm nhu. Thánh nhân yêu
mến người khác, vì người thực sự coi họ là con cái Thiên Chúa, và là anh em của
mình. Hơn thế nữa, người còn yêu họ hơn mình. Với xác tín Thiên Chúa không bao
giờ bỏ rơi con người.
Thánh Martinô là
vị thánh của người nghèo vì ngài đã tích cực cổ võ thành lập các cô nhi viện,
chăm sóc người bệnh tật, người nô lệ từ Châu Phi…. Martinô luôn tâm niệm rằng những
khó khăn của mình hay của người khác như là những quà tặng Thiên Chúa ban để biến
ngài thành con người mới và là khí cụ của Thiên Chúa.
Nhận biết mình là
không đối với Thiên Chúa và Hội dòng, ngày kia khi nhà dòng bị nợ nần quá nhiều,
Martinô khiêm tốn xin được bán đi như một người nô lệ để lấy tiền trả nợ. Thánh
Martinô để lại cho chúng ta mẫu gương về đời sống khiêm tốn, phó thác và vâng
phục biết dường nào.
Vị thánh thương người
của chúng ta chọn sống con đường khiêm nhu ẩn dật nhưng tình thương ngài trải rộng
tới vô biên. Người ta nói, ngay cả các súc vật cũng hưởng được tình thương của
ngài.
Tóm lại: Có tình yêu mặn nồng với Thiên Chúa thì mọi khó khăn sẽ qua đi dễ
dàng. Thánh Martinô Porres đã sống như thế. Thánh Martinô được trao sứ mệnh
mang sứ điệp tình thương của Thiên Chúa đến với nhân loại và ngài đã hòan tất tốt
đẹp sứ mạng này. Phần chúng ta, nếu chúng ta có bao nhiêu âu lo phiền muộn, bao
nhiêu long đong vất vả lam lũ, bao nhiêu nghịch cảnh, hiểu lầm, bao nhiêu đắng
cay, thất bại, bao nhiêu họan nạn thử thách của cuộc sống này…. hãy đến bên thánh
Martinô, tha thiết xin với ngài để được ngài thương đỡ nâng, phù trì, để ngài
chuyển cầu lên Thiên Chúa thay cho chúng ta.
Ai có gánh sầu thương,
ai có giây oan trường hãy tìm về bên thánh Martinô để được lấp đầy bằng lòng
tin yêu hy vọng và phó thác. Cùng với lòng yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa, chúng
ta mong đặt cuộc đời cho sự bầu cử đặc biệt của thánh Martinô.
http://jsthanh.blogspot.com/
THÁNG NĂM – NHỮNG ĐÓA
HOA DÂNG MẸ
THÁNG NĂM – NHỮNG ĐÓA
HOA DÂNG MẸ
Tháng Năm về, một tháng trong năm với tên gọi
thật thơ mộng, thật tươi vui: Tháng Hoa.
Mỗi
độ tháng Hoa về, các Nhà thờ rộn rã mùa dâng hoa kính Đức Mẹ. Phụng vụ Mùa Hoa
tưng bừng nhộn nhịp với nhiều thể loại phong phú Rước hoa và Dâng hoa tuỳ mỗi
tập quán mỗi đặc trưng văn hoá địa phương.
Nói
tới hoa là nghĩ về một kỳ công của Thiên Chúa. Hoa muôn màu muôn sắc, hoa tươi
xinh, hoa thơm ngào ngạt. Hoa tô thắm vũ trụ nên xinh tươi. Hoa mời gọi ong
bướm đến hút mật. Hoa khoe sắc thắm, nhoẻn cười với con người. Lời của hoa thật
dịu huyền giữa thiên nhiên. Hoa hòa vào lòng người dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.
Loài
hoa nào cũng đẹp. Loài hoa nào cũng gởi cho ta một sứ điệp yêu thương. “Hoa
Hướng Dương biểu trưng cho mặt trời toả sáng, sưởi ấm lòng người. Hoa Mười Giờ
gởi ta một tình yêu thuỷ chung, son sắt. Dù đời em chỉ toả sáng lúc mười giờ,
nhưng trọn đời em vẫn yêu thương. Thật vấn vương khi nhắc đến loài Hoa Phượng.
Loài hoa gợi ta nhớ lại những phút giây vui đùa trên sân trường thuở nhỏ, một
tuổi thơ mơ tiên, hồn nhiên, trong trắng, thơ ngây, tuổi ô mai, tuổi vấn vương,
tuổi học trò. Màu hoa tươi tắn là tình yêu chan chứa cho cuộc đời khô cằn nắng
cháy và cũng là ước nguyện, sức sống cho tương lai. Hoa Lưu Ly là lời tha thiết
yêu thương “xin đừng quên tôi”. Cuộc đời là muôn đời liên kết “xin đừng quên
tôi” hỡi người tôi yêu ! Đó phải chăng là những ai còn nhớ và những ai đã quên,
nhất là khi ta vắng mặt sau cuộc đời trần thế.”
(Sứ điệp loài hoa, trg 11.)
Hoa đã trở thành bạn thân thiết với con người. Khi vui người ta tặng hoa để
chúc mừng nhau. Khi buồn người ta cũng trao gởi lẵng hoa như trao gởi tấm lòng
đồng cảm thân thương. Hoa khích lệ lòng người. Hoa hướng con người nhớ tới Đấng
tạo hoá đã xoay vần vũ trụ bốn mùa xinh tươi. Hoa mơn man lòng người đau khổ.
Hoa khích lệ những ai thất bại. Hoa chúc mừng những ai chiến thắng. Hoa ca vang
kỳ công kiệt tác của Thiên Chúa. Đôi khi, chỉ một cánh hoa đủ trào dâng lòng
mến của Thánh Têrêxa Hài Đồng. Nhiều lần, một dàn hoa làm tâm hồn Thánh
Phanxicô ngây ngất tình Chúa.
Lắng
nghe tiếng nói huyền diệu của hoa, Thánh Bênađô biết được tâm trạng của hoa.
Chẳng hạn, Hoa Hồng giàu lòng yêu mến. Hoa Huệ biểu tượng đức Khiết trinh, Hoa
Tím là duyên đức đoan trang khiêm tốn. Thánh nhân ca ngợi các nhân đức Đức Mẹ
qua ý nghĩa các loài hoa. Hoa Hồng đức mến, Hoa Huệ đức Khiết trinh, Hoa Tím
đức Khiêm nhường. Đức Mẹ là Hoa Huệ khiết trinh. Đức Mẹ là Hoa Hồng yêu mến.
Hương thanh khiết và tình yêu của Mẹ đã làm cho mùa xuân trần gian được hồi
sinh. Ơn cứu độ được ban tặng cho trần đời nhờ hoa lòng của Mẹ hằng đẹp lòng
Thiên Chúa.
Sứ
Thần Gabriel đã cung kính thưa với Mẹ rằng: “Mừng
vui lên, hỡi Ðấng đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng bà!" (Lc 1,28). "Ðấng đầy ơn phước" là tên
gọi đẹp nhất của Mẹ Maria, tên gọi mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, để chỉ cho
biết rằng từ muôn thuở và cho đến muôn đời, Đức Mẹ được yêu thương, được Thiên
Chúa tuyển chọn. Đức Mẹ tuyệt đẹp vì không vương vấn tội, vẻ đẹp của sự thánh
thiện vô tỳ tích, một vẻ đẹp không chỉ do con người nỗ lực thanh tẩy mà còn do
ân sủng Thiên Chúa trao ban.
Tháng
Năm về, mỗi lần thưởng thức hương hoa, ta hãy hướng về Đức Mẹ, xin Mẹ tỏa hương
thiên đàng của người, ấp ủ ta thành những đóa hoa tươi thắm của Mẹ. Mỗi khi hái
hoa dâng tiến Đức Mẹ, ta hãy mượn hương sắc và lời huyền diệu của hoa để ca
tụng hoặc cầu xin người. Dâng Hoa Hồng, xin Mẹ cho ta được yêu mến Mẹ nhiều
hơn. Dâng Hoa Huệ, ta ca ngợi đức khiết trinh của Mẹ. Xin Mẹ lấy hương huệ
trinh nguyên của hồn Mẹ ướp hồn ta nên trong trắng.
Tháng Năm về, mỗi tín hữu yêu mến Hoa Mân Côi cách đặc biệt hơn. Hoa Mân Côi là
sứ điệp Yêu Thương, sứ điệp Ơn Cứu Độ, là kinh nguyện Phúc Âm được kết dệt từ
các mầu nhiệm chính trong đạo : Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, Mầu Nhiệm Cuộc Đời
Dương Thế, Vượt Qua và Thăng Thiên, được suy gẫm qua 20 Mầu Nhiệm “Hoa Mân Côi”
: Năm Sự Vui, Năm Sự Sáng, Năm Sự Thương, Năm Sự Mừng.
Mỗi khi cất lên lời kinh: Kính mừng Maria đầy Ơn Phước… là chúng ta kết thành Hoa Mân Côi kính
dâng Mẹ. Từ trời cao, Đức Mẹ mừng vui và ban muôn ơn lành cho đoàn con cái sốt
mến thành tâm hướng về Mẹ.
Ở
thành Nancêniô trong nước Pháp, có một gia đình trung lưu. Vợ đạo đức, chồng
hiền lành nhưng khô khan. Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình,
nhưng chồng cứng lòng mãi.
Năm ấy, đầu tháng Hoa Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức
Mẹ. Chồng bà bận việc làm ăn, ít khi ở nhà, và dù ông ở nhà cũng không bao giờ
cầu nguyện chung với mẹ con. Ngày lễ nghỉ không bận việc làm thì cũng đi chơi
cả ngày, nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa
dâng Đức Mẹ.
Ngày 15 tháng Sáu năm ấy, ông chết bất thình lình, không kịp gặp linh mục. Bà
vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo, bà buồn lắm, nên sinh bệnh
nặng, phải đi điều trị ở nơi xa. Khi qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm
sự cùng cha xứ là cha Gioan Maria Vianey.
Ngài
là người đạo đức nổi tiếng, được mọi người xem là vị thánh sống. Bà vừa tới nơi
chưa kịp nói điều gì, cha Vianey liền bảo:
-
Đừng lo cho linh hồn chồng bà. Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về
cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa vừa rồi chứ?
Nghe
cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy,
nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết được?
-
Cha Vianey nói thêm: Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để
tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ
chết. Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục, xin bà
dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm cầu cho ông chóng ra khỏi nơi đền tội
nóng nảy mà lên Thiên đàng. Nghe xong lời cha Vianey, bà hết sức vui mừng tạ ơn
Đức Mẹ. (trích từ: Sách Tháng Đức Bà, Hiện Tại xuất bản, 1969, trg 10).
Chỉ
có mấy bông hoa nhỏ dâng kính Đức Mẹ mà người đàn ông khô khan ấy cũng được Đức
Mẹ ban ơn cứu rỗi lớn lao như vậy. Trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành
nơi dương thế, chúng ta tin có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở, yêu thương nâng
đỡ. Chúng ta nhìn lên Mẹ như mẫu gương của bậc thầy lắng nghe và tuân giữ Lời
Chúa. Hãy luôn vững lòng cậy trông với niềm tin yêu. Đức Mẹ hằng yêu thương phù
trợ mỗi người chúng ta.
Trong tháng Năm này, chúng ta tham dự những buổi dâng Hoa, rước kiệu, lần hạt
Mân Côi…dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hi sinh, đau khổ, bệnh tật…chắc sẽ
được Đức Mẹ ban nhiều ơn lành. Mẹ thích những bông hoa Xanh của lòng cậy, hoa
Đỏ của lòng mến, hoa Trắng của lòng trong sạch, hoa Tím của hy sinh hãm mình,
hoa Vàng của niềm tin, hoa Hồng của tình yêu sắt son chung thủy.
Xin
dâng lên Mẹ hoa Trắng của sự trinh trong, xin Mẹ giúp chúng con gìn giữ tâm hồn
luôn trong trắng, thánh thiện.
Xin dâng lên Mẹ hoa Xanh của niềm cậy trông và hy vọng, xin đừng để chúng con
thất vọng chùn bước trước bất cứ khó khăn nghịch cảnh nào của cuộc sống.
Xin
dâng lên Mẹ hoa Vàng của niềm tin kiên vững, xin Mẹ dạy chúng con sống phó thác
tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Chúa như Mẹ.
Xin dâng lên Mẹ hoa Hồng của lòng yêu mến, xin Mẹ dạy chúng con biết yêu Chúa
hết lòng và yêu anh chị em mình như Chúa đã yêu chúng con.
Xin
dâng lên Mẹ hoa Tím của những đau khổ, bệnh tật, thất bại, xin Me dạy chúng con
biết vui lòng chấp nhận Thánh Giá Chúa gởi đến để trung thành bước theo Đức
Kitô, Con của Mẹ.
Lạy
Mẹ Maria, những đoá hoa lòng đơn sơ, chân thành nhưng đượm tình yêu mến, chúng
con xin dâng lên Mẹ, xin Mẹ thương nhận lấy và chúc lành cho chúng con. Amen.
Tác giả bài viết: Lm Giuse
Nguyễn Hữu An
Vào
những thế kỷ đầu, hàng năm, khi tháng Năm về, người Rôma tôn kính sự thức giấc
sau mùa đông dài của thiên nhiên bằng việc tổ chức gọi những ngày lễ tôn kính
Hoa là Nữ thần mùa Xuân.
Các
tín hữu Công giáo trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên khi tổ chức những
cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú. Có nơi người ta tổ
chức các cuộc "Rước xanh". Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi
đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng
kính Đức Mẹ. Các thi sĩ cũng như các thánh đua nhau sáng tác những bài hát, bài
giảng ca tụng những ngày lễ đó cũng như ca tụng Đức Mẹ.
Đến
thế kỷ 14, Linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên
Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ. Thánh
Philipe đệ Nêri, cũng vào ngày 1 tháng 5, thích tập họp các trẻ em lại chung
quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông hoa mùa xuân, Ngài dâng cho Đức Mẹ các
nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.
Đầu
thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu
Dòng Phanxicô, tháng Đức Mẹ được cử hành công cộng: Mỗi chiều đều có hát kính
Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh. Từ ngày đó, tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng
khắp các xứ đạo. Năm 1654, cha Nadasi, dòng Tên, xuất bản tập sách nhỏ khuyên
mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ Chúa Trời.
Đầu
thế kỷ 19, hết mọi xứ trong Giáo hội đều long trọng kính tháng Đức Mẹ. Các nhà
thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau Mùa Chay là
thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ. Trong việc này, Linh mục Chardon đã có
nhiều công. Không những ngài làm cho lòng sốt sắng trong tháng Đức Mẹ được phổ
biến trong nước Pháp mà còn ở mọi nước Công giáo khác nữa.
Đức
Giáo Hoàng Piô XII, trong Thông điệp "Đấng Trung gian Thiên Chúa",
cho "việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào
nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ". Đức Giáo Hoàng
Phaolô VI, trong Thông điệp Tháng Năm, số 1 viết: "Tháng Năm là Tháng mà
lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để
"bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế
giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng. Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở
trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ tấm lòng của họ những lời
cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này,
những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai tòa rất
dồi dào của Đức Mẹ"