Nguyện xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho những ai góp công sức và vật chất cho sự Thăng Tiến của Giáo Xứ (thanhmartino.blogspot.com). "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìn thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho"

BẠO HÀNH GIA ĐÌNH NHIỀU PHỤ NỮ PHÁ THAI.


Tình trạng bạo hành với phụ nữ (PN) mang thai hiện đang gia tăng, khiến nhiều PN phải lặng lẽ bỏ thai nhưng vẫn âm thầm chịu đựng, các cơ sở tư vấn thì không thể can thiệp sâu vào “nội bộ” của mỗi gia đình...
Bạo hành tinh thần chiếm đa số
Mới đây, phòng Tư vấn Kế hoạch hoá Gia đình BV Từ Dũ tiếp nhận một thai phụ tên L.H.T.K. đến để tư vấn về quyết định phá thai vì chồng chị không chấp nhận khi chị lại mang thai bé gái. Chị kể, chị đã có hai bé gái, lần mang thai thứ ba ngoài ý muốn, chị định phá thai nhưng chồng chị đòi giữ lại, hy vọng sẽ sinh con trai. Thế nhưng, chờ thai lớn, chị đi siêu âm lại có kết quả là bé gái. Kể từ đó, chồng chị chửi rủa suốt ngày, khiến chị bị khủng hoảng tinh thần.
Một nghiên cứu mới đây của BV Từ Dũ cho thấy, tỷ lệ bạo hành gia đình ở PN đến phá thai tại BV này chiếm hơn 26,1%, trong đó, tỷ lệ bạo hành tinh thần cao nhất 17,1%, còn bạo hành thể xác và bạo hành tình dục có tỷ lệ gần bằng nhau, chiếm khoảng 12%... Một thai phụ có thể bị cùng lúc nhiều kiểu bạo hành khác nhau. Nhiều trường hợp dẫn đến sẩy thai, mang thai ngoài ý muốn, làm tăng nguy cơ phải nạo phá thai. Đáng nói, trong những trường hợp khi bị bạo hành về thể xác, lại có chưa đến 28% thai phụ có hành vi phản kháng. Hầu hết họ đều im lặng, chạy trốn, rất ít trường hợp kêu cứu. Chính sự im lặng đã tiếp tay cho bạo lực diễn ra ngày càng trầm trọng.
PGS-TS Võ Minh Tuấn - Bộ môn Sản, Đại học Y Dược TP.HCM khuyến cáo, bạo hành và phá thai là vòng luẩn quẩn. Ngoài những PN đang mang thai bị bạo hành cũng có trường hợp PN bị bạo hành dẫn đến có thai, như bạo hành tình dục. Lúc đó, người PN mang thai ngoài ý muốn, buộc phải đi bỏ thai. Đáng lo ngại, bạo hành gia đình làm tăng nguy cơ mang thai ngoài ý muốn lên gấp năm lần. Riêng những PN bị cùng lúc bạo hành tinh thần, thể xác, tình dục, khả năng có thai ngoài ý muốn tăng gấp chín lần.
Khó can thiệp vào nội bộ gia đình
ThS-BS Ngô Thị Yên cho biết, phần lớn những PN đến phá thai do bạo hành gia đình có chồng uống rượu bia hoặc mê cờ bạc. Người PN không có nơi để sẻ chia, tâm sự khi họ lỡ mang thai ngoài ý muốn. Nhất là khi thai nhi có giới tính không như sự trông chờ của gia đình, áp lực phải đi bỏ thai càng đè nặng lên thai phụ. Để giữ hạnh phúc gia đình, nhiều PN phải chấp nhận phá thai.
Bạo hành gia đình dưới bất kỳ hình thức nào cũng khiến người PN mang thai bị ảnh hưởng tâm lý, không tốt cho sức khoẻ bà mẹ và sự phát triển của thai nhi, dễ dẫn đến sinh non, thai suy dinh dưỡng. Bạo hành gia đình là một bài toán xã hội nên cần được sự chung tay giải quyết của nhiều ngành, đoàn thể; bên cạnh sự hiểu biết và nỗ lực hợp tác của chính những thành viên trong gia đình.
Theo PGS-TS Võ Minh Tuấn, khi tư vấn cho những chị em đã có chồng, thường không thể can thiệp sâu vào cuộc sống riêng tư, phần lớn chỉ dừng lại ở chia sẻ, tư vấn về thai kỳ. Hơn nữa, người vợ thường âm thầm chịu đựng, chỉ khóc lóc và quyết định bỏ thai. BS Đặng Thị Hiện - BV Hùng Vương TP.HCM giải thích, bác sĩ tư vấn chỉ đồng ý bỏ những thai nhi bị dị tật bẩm sinh, chứ không khuyên thai phụ bỏ những thai bình thường. Do đó, việc bỏ thai ngoài ý muốn do chồng bạo hành đều do thai phụ quyết định, chứ trên giấy tờ bệnh nhân không thể ghi “bỏ thai do bạo hành”, như vậy sẽ vi phạm luật pháp.
BS Trần Duy Tâm - BV Tâm thần TP.HCM góp ý, những PN bị bạo hành gia đình thường rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, lo sợ. PN mang thai càng bị ảnh hưởng nhiều, họ rất dễ bị trầm cảm, xem việc phá thai như tự huỷ hoại bản thân. Do đó, với những trường hợp quyết định bỏ thai vì bạo hành gia đình, trước hết, người thân hay các chuyên viên tư vấn nên tìm cách “hoãn binh”, giúp cho thai phụ suy nghĩ kỹ thêm vài ngày trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Trong thời gian đó, việc tiến hành công tác tư vấn tâm lý sẽ giúp định hướng, xác định rõ bối cảnh thực tế, xác định những giải pháp khác ngoài bỏ thai hầu giúp các chị em tránh những tổn thương tâm lý và sức khoẻ sau này, tạo điều kiện thuận lợi một can thiệp sâu hơn để giải toả các xung đột gia đình.

Thanh Khê
Nguồn: Báo Phụ Nữ, ngày 25-03-2011