Nguyện xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho những ai góp công sức và vật chất cho sự Thăng Tiến của Giáo Xứ (thanhmartino.blogspot.com). "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìn thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho"

LO CHO CON


Ngày nay con cái được cha mẹ chăm lo nhiều quá đã vô tình tạo cho con mình tính ích kỷ và nghĩ rằng lo cho con cái là bổn phận của cha mẹ…
Ngày cuối tuần, mẹ nấu mì Quảng, mời gia đình dì Sương đến chơi. Dì vừa về hưu, chắc là buồn lắm. Sau những chuỗi ngày bận rộn nơi công sở, bây giờ bỗng dưng chẳng làm gì ngoài việc ngày ngày chở chị Su đi học. Đang ngồi ăn rồi tám chuyện trên trời dưới đất, nhìn đồng hồ 1 giờ trưa, dì Sương tất bật cáo từ vì phải về chở chị Su đi học tiếng Nhật. Mẹ nói tội nghiệp dì, đến tuổi nghỉ ngơi rồi còn đưa đón con, dù chị Su đã 20 tuổi.
Một trường hợp cưng con tương tự như nhà bác Sáu của tôi, chị Lan vừa tốt nghiệp đại học loại giỏi đi tìm việc làm khó khăn, chị quay về xin bác cho chị học tiếp lên thạc sĩ. Bác Sáu thấy chị ham học cũng mừng, nhưng lại thở dài thườn thượt vì bác còn nặng gánh anh Bin và chị Bo nữa. Tôi hỏi mẹ, sao chị Lan không ráng đi làm để còn phụ giúp bác lo cho em. Mẹ nói ba mẹ chẳng bao giờ tính thiệt hơn gì cả, chỉ có điều bản thân con cái phải tự ý thức vì chị Lan cũng đã trưởng thành và phải tự biết suy nghĩ.
Trường hợp khác trong xóm tôi, gia đình cô Thanh có chị Quỳnh ngày nào cũng ngủ đến 12 giờ trưa, tối thì ngủ trễ, phòng riêng thì bề bộn đủ thứ trên đời được chị tha về. Trong lần đi homestay (ở trọ và sinh hoạt cùng gia đình chủ nhà) ở tỉnh, chị bị chủ nhà than phiền. Cô Thanh thở dài và nói đó là bài học ra đời của chị Quỳnh, cô cũng tự trách mình đã thay chị làm mọi việc vì nghĩ chị không có thời gian học nên đã thay chị làm tất cả mọi thứ.
Cũng có những trường hợp khác, như dì Ba của tôi nhà có xe hơi, nhưng chị Mai học lớp 10 phải tự đi học bằng xe buýt. Dì Ba nói thế hệ chúng tôi văn minh hơn, mọi người phải đi xe công cộng. Chị Mai nằn nì, chị nói không thích đi xe buýt vì bị mấy bà soát vé mắng và có khi còn xô xuống khi xe chưa dừng lại hẳn. Vậy mà dì Ba vẫn cương quyết cứng rắn dù trong lòng rất xót con.
Gia đình bạn Nga của tôi cũng vậy, Nga được mẹ dạy kỹ từ nấu ăn đến cách ăn mặc. Bạn Nga nói, mẹ bạn cho rằng phải dạy bạn ngay từ bây giờ chứ để khi đi làm dâu, người ta mắng vốn ba mẹ không biết dạy con.
Ngày xưa ba mẹ tôi tự lập hoàn toàn, tự bươn chải kiếm tiền về phụ ông bà, chẳng có của hồi môn khi lập gia đình, nhưng sao đến giờ ba mẹ vẫn luôn kính trọng thương yêu ông bà. Cuối tuần, ba chạy về nội dúi tiền cho nội xài, mẹ chạy về ngoại đi chợ mua con gà, con cá biếu ngoại. Ba mẹ tôi trưởng thành trong khó khăn, nhưng vẫn yêu thương kính trọng lo lắng mọi thứ cho ba mẹ mình.
Qua những trường hợp đó, tôi rút ra một điều, có lẽ ngày nay con cái được cha mẹ chăm lo nhiều quá vô tình đã tạo cho con mình tính ích kỷ và nghĩ rằng tình thương của cha mẹ là đương nhiên và lo cho con cái là bổn phận của cha mẹ chăng? 


Thiên Ân
Nguồn: Báo Thanh Niên, ngày 17/11/2010