Nguyện xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho những ai góp công sức và vật chất cho sự Thăng Tiến của Giáo Xứ (thanhmartino.blogspot.com). "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìn thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho"

GIÔNG TỐ CUỘC ĐỜI


Chuyện kể rằng sau một trận bão lớn chỉ còn một con tàu của thuyền trưởng Tiến quay về cảng. Các nhà báo đến phỏng vấn vị thuyền trưởng tại sao các tàu khác bị lật đắm mà tàu của ông vẫn trở về. Thuyền trưởng Tiến khẽ khàng: “Tôi luôn lái tàu lao thẳng vào tâm bão”. Đúng thế, nếu lái tàu né tránh, bỏ chạy, bão sẽ tạt vào mạn tàu và lật úp chiếc tàu ngay lập tức.
Cái gì đã xảy ra là có lý của nó. Cuộc đời chúng ta cũng vậy. “Ví thử cuộc đời bằng lặng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai!”. Sóng gió làm cho mỗi chúng ta vững vàng và mạnh mẽ thêm. Đấy mới chính là cuộc sống thực.
Chẳng ai mong đợi sóng gió, nhưng nếu chỉ nhăm nhăm né tránh để đi tìm một chỗ phẳng lặng, đấy chỉ là phương án tạm thời. Đời mà, luôn đầy sóng gió. Nhiều khi tránh lại còn nguy hiểm hơn. Biết đâu, “Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa!”.
Người ta né tránh sóng gió cuộc đời vì lầm tưởng đó là do khách quan. Không phải vậy.
Sóng gió thiên nhiên cũng chính do con người tạo nên. Hoặc con người đã khiến sóng gió thiên nhiên khắc nghiệt hơn. Họ hủy hoại môi trường, tàn phá thiên nhiên. Họ đảo lộn mọi thứ, làm mất sự hài hòa, mất cái tự nhiên vốn dĩ của thiên nhiên. Sóng gió đời người cũng vậy. "Nhân chi sơ, tính bản thiện". Nhưng vì cuộc sống đua đòi vật chất, hướng ngoại ganh đua. Ta ăn uống vô chừng vô độ. Ta tiêu xài vô lối. Ta sinh hoạt bất cần giờ giấc. Ta hủy hại những nhu cầu nội tại của cơ thể, làm mất thăng bằng sự bình an.
Vì vậy suốt ngày ta vật lộn với bản thân, mất khả năng sáng suốt nhìn nhận sự đời. Ta nhìn nhận, xử lý sự việc một cách thiển cận, cẩu thả, có bé xé ra to, có ít xít ra nhiều.
Và quan trọng nhất ta luôn đổ tại người khác. Luôn “không phải cháu”. Đổ tại là tự hại. Tâm bão thiên nhiên ở bên ngoài. Tâm bão của cuộc đời lại nằm sâu trong tâm can ta. Mốt hiện đại là nhảy việc. Mỗi khi có khó khăn là bỏ cơ quan chạy. Tồi tệ hơn nữa là bỏ cả gia đình con cái để sướng thân. Nhảy việc chưa quan trọng, thói quen hơi tý bỏ chạy thật là nguy hiểm. “Sống chết mặc bay thằng này chạy trốn”. Chạy trốn là tự đào mồ chôn mình.
Thiên tai ngày càng nặng nề hơn. Khủng hoảng kinh tế thế giới ngày càng trầm trọng hơn. Ta không thể thay đổi được thiên nhiên đất trời. Không thể thay đổi được cả xã hội loài người. Ngay cả con đẻ, ta nuôi nấng dạy dỗ hàng chục năm trời vậy mà nhiều khi vẫn phải tự thay đổi để hợp với chúng, xóa đi những “hẫng hụt thế hệ”.
Chỉ có đối mặt với chính mình ta mới có cơ tìm ra giải pháp. Hãy điều chỉnh chính mình trước khi điều chỉnh người khác. Không giải thích, không chỉ trích, không lảng tránh mà hãy tìm giải pháp. Chỉ có chính bạn mới tìm ra được cái tối ưu nhất cho bạn cho tôi, cho xã hội.
20 tuổi người ta muốn thay đổi cả thế giới. 30 tuổi người ta chỉ muốn thay đổi đất nước mình. 40 tuổi người ta muốn thay đổi quê hương làng xóm mình. 50 tuổi người ta chỉ còn muốn thay đổi gia đình mình. Và 60 tuổi, người ta ngậm ngùi “cố gắng tự thay đổi bản thân”. Đừng để đến 60 tuổi mới bắt đầu làm lại cuộc đời. Hãy thay đổi, để tuổi 20 thay đổi cả thế giới.
Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Hãy đối mặt với chính mình, hãy bắt đầu từ chính mình. Hãy thay đổi từ sâu thẳm tâm ta. Thay đổi từ trong ra ngoài.
“Ốc không mang nổi ốc làm sao mang cọc”. Mình chưa tốt lên làm sao gia đình tốt lên, quê hương làng xóm tốt lên, đất nước tốt lên, làm sao chinh phục thế giới.
“Ví thử cuộc đời bằng lặng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai!”
Tự đổi mới bản thân – gốc của đổi mới!

(Tâm Việt)